NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THỂ KHÔNG BIẾT VỀ NGÀNH TIẾNG ANH THƯƠNG MẠI

Tiếng anh thương mại có giống với ngôn ngữ anh không?

Học tiếng anh thương mại ra trường làm gì?

Cơ hội việc làm ra sao?

Có lẽ đây là những câu hỏi mà  rất nhiều bạn sinh viên đang theo học chuyên ngành tiếng anh thương mại thắc mắc. Sau đây English Camp xin chia sẻ một số thông tin để giúp các bạn có cái nhìn rõ ràng hơn  cũng như giải đáp những băn khoăn về tiếng anh thương mại nhé?

 

Cơ hội với ngành tiếng anh thương mại

 

Nếu ngành ngôn ngữ anh và tiếng anh sư phạm thiên về nghiên cứu, học thuật cũng như công tác giảng dạy thì tiếng anh thương mại lại là một chuyên ngành khá đặc biệt khi tập trung đào tạo các bạn sử dụng tiếng anh một cách thuần thục như người bản xứ thông qua các tình huống thực tế: chú trọng rèn luyện 4 kĩ năng nghe- nói- đọc- viết . Về mặt kiến thức sinh viên ngành tiếng anh thương mại được bổ trợ nhiều kiến thức thuộc mảng kinh tế như tài chính , marketing, kế toán , nhân sự, quản trị. Trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu như hiện nay, việc đòi hỏi trình độ chuyên môn và yêu cầu ngoại ngữ là hơn bao giờ hết. Với nền tảng vững chắc về kinh tế, thương mại cùng khả năng sử dụng thành thạo cả 4 kĩ năng, sinh viên theo học khối ngành tiếng anh thương mại dễ dàng hòa nhập vào môi trường doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty xuyên quốc gia.

Học tiếng anh thương mại phù hợp với những ngành nghề nào?

 

Do tính ứng dụng khá cao, ngành tiếng anh thương mại hầu hết khá phù hợp với các công việc thuộc khối ngành kinh tế và ngoài kinh tế. Sinh viên tốt nghiệp ngành Tiếng Anh thương mại có khả năng làm việc tại các tổ chức kinh tế và tài chính trong nước cũng như quốc tế, hay có thể giảng dạy hoặc làm trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ . Một số công việc sinh viên chuyên ngành này có thể đảm nhiệm một vài công việc cụ thể như sau:

Biên phiên dịch: đây là một nghề đòi hỏi khả năng về ngôn ngữ học và những kiến thức xã hội rộng lớn về các nền văn hóa, đất nước, con người, phong tục, thói quen; các lĩnh vực kỹ thuật liên quan… Vì vậy, ngoài vốn từ tiếng Anh thương mại được học, bạn cần trau dồi thêm nhiều từ vựng phong phú hơn để có thể ứng biến tốt khi làm việc.

Một yếu tố quan trọng của nghề này là cần ý thức đạo đức nghề nghiệp và hướng đến sự trung thực, khách quan. Nếu bạn chọn theo nghề này, lời khuyên của tôi là bạn nên tham gia các khóa kỹ thuật phiên dịch nâng cao để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc và hoàn toàn tự tin vào kiến thức và khả năng của mình.

Hướng dẫn viên du lịch: vốn ngoại ngữ tốt là một vũ khí rất đắc dụng cho những ai muốn theo đuổi công việc này. Ngoài khả năng về ngoại ngữ, các hướng dẫn viên du lịch cần trau dồi vốn kiến thức văn hóa, kinh tế – xã hội để có thể thấu hiểu sâu sắc những nơi mình giới thiệu, thuyết minh trôi chảy cũng như trả lời các câu hỏi của người tham quan. Ngoài ra, để trở thành một hướng dẫn viên du lịch xuất sắc, bạn cần phải có khả năng ứng biến nhanh nhạy, cá tính vui vẻ, hòa đồng.

Trợ lý- thư ký: nếu ứng tuyển vị trí này, bạn sẽ phụ trách sắp xếp các công việc phù hợp với tiến trình hoạt động của công ty, thay mặt giám đốc giải quyết những vướng mắc nhỏ và báo cáo thường xuyên cho cấp trên.

Công việc này đòi hỏi khả năng ngôn ngữ của bạn trong các tài liệu, hợp đồng mà bạn là người chịu trách nhiệm kiểm tra và giám sát. Do vậy, kỹ năng biên phiên dịch cũng là yếu tố cần thiết cho vị trí này. Bên cạnh đó, bạn còn cần đáp ứng kỹ năng giao tiếp và trình bày tốt để có thể cùng cấp trên giao lưu và thương lượng với đối tác.

Đối với sinh viên mới ra trường, để có kiến thức cơ bản về nghề này, bạn có thể tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về thư ký giám đốc hoặc quản trị văn phòng để hoàn thiện kỹ năng và đạt hiệu quả cao nhất.

Xuất nhập khẩu: đối với vị trí chuyên viên xuất nhập khẩu, các nhà tuyển dụng thường đưa ra một số yêu cầu như ứng viên phải nắm vững quy trình xuất nhập khẩu và có kinh nghiệm làm chứng từ cũng như soạn thảo các loại văn bản, hợp đồng giao dịch, hiểu biết về hàng hóa và thị trường trong nước và quốc tế… Theo đó, khả năng ngoại ngữ và sử dụng thành thạo các ứng dụng tin học là yêu cầu không thể thiếu.

Ngoài ra, nếu chọn công việc này, bạn cần trang bị một số kỹ năng mềm như đàm phán/thuyết phục, giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề… Học thêm về nghiệp vụ xuất nhập khẩu sẽ giúp bạn có thêm kiến thức và một số kỹ năng để tự tin hơn trong công việc.

 

Tiếng Anh thương mại là một ngành đa dạng và phát triển, cơ hội nghề nghiệp lớn. Nhưng bên cạnh đó ngành này cũng đặt ra nhiều thử thách luôn đòi hỏi sinh viên phải phát triển kỹ năng toàn diện để hội nhập trong giai đoạn toàn cầu hóa như hiện nay. English Camp luôn hi vọng với những chia sẻ trên, các bạn phần nào đã có những định hướng đúng đắn  hơn cho ngành nghề mà mình theo đuổi nhé. Chúc các bạn thành công.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *