Những điều cần biết về nghề phiên dịch viên

Bạn là một sinh viên ngành ngôn ngữ mới ra trường? Bạn cảm thấy khó khăn khi mới bắt đầu công việc? Bạn bị choáng ngợp khi nhận ra thực tế không giống những gì đã được học ở trường đại học? Sau đây là một vài lời khuyên và những điều cần biết về nghề phiên dịch viên khi bắt đầu công việc dịch thuật nhé!

 

  1. Hiểu được khả năng thực sự của bạn

Hãy trung thực với bản thân và xác định xem bạn có phải là một phiên dịch viên giỏi hay không. Đừng nhận những công việc không phù hợp với bản thân chỉ vì bạn sợ mình sẽ không có việc làm. Điều đó không những tiêu tốn quá nhiều thời gian mà bạn có thể dành cho những việc nằm trong chuyên môn của mình, mà còn tạo ra những sản phẩm dịch thuật kém chất lượng.

  1. Luôn đáp ứng đúng thời hạn được giao

Không gì làm khách hàng bực bội hơn là công việc không được hoàn thành đúng hạn, vì điều này gây ảnh hưởng đến tiến độ của toàn bộ dự án, dẫn đến tổn thất lớn cho doanh nghiệp. Đừng hứa hẹn những gì bạn không thể làm được, nếu không muốn tạo ra một hình ảnh xấu cho khách hàng. Hãy ước tính thời gian tương xứng để hoàn thành tất cả mọi việc, bao gồm dịch văn bản, đọc lại và chỉnh sửa. Trong trường hợp hiếm hoi mà bạn không thể đáp ứng đúng thời hạn, hãy thông báo cho khách hàng sớm nhất có thể để họ có thể tìm phương án thay thế. Tuy nhiên, đừng bao giờ lặp lại điều này.

  1. Đừng ngại trao đổi

Khi trở thành một phiên dịch viên, sẽ có lúc bạn vấp phải những văn bản không rõ nghĩa hay không hiểu được ý nghĩa của một đoạn văn, hãy thử tra cứu thông tin, tìm kiếm lời khuyên chuyên môn và/hoặc liên lạc với khách hàng để làm rõ. Ngay cả khi bạn tìm thấy tài liệu tham khảo nhưng vẫn không cảm thấy chắc chắn, đừng phỏng đoán. Bạn chỉ có thể dịch chính xác khi đã hiểu văn bản, và tính chính xác là giá trị cốt lõi đối với một văn bản dịch thuật.

 

  1. Đặt ra những tiêu chuẩn cao cho bài dịch của mình

Đừng thỏa hiệp để bản thân không nỗ lực hết sức cho một bản dịch. Chỉ những văn bản dịch thuật chất lượng mới có thể thu hút khách hàng cao cấp. Hầu hết khách hàng sẽ không nói cho bạn biết rằng họ không hài lòng với bản dịch của bạn. Hãy luôn đọc kỹ lại bản dịch của mình và đừng quên format gọn gàng trước khi gửi bản dịch cuối cùng cho khách hàng. Sản phẩm cuối cùng của bạn phải là bản tốt nhất có thể.

  1. Không ngừng cải thiện kỹ năng và kiến thức của mình

Nói được hai ngôn ngữ không có nghĩa bạn là một phiên dịch viên giỏi. Để thăng tiến trên sự nghiệp phiên dịch, bạn phải trang bị cho bản thân nhiều kĩ năng và liên tục cải thiện, nhất là trong bối cảnh kinh doanh thay đổi nhanh chóng như hiện nay. Phiên dịch viên cũng cần có kiến thức tốt trong lĩnh vực cần dịch, hoặc về văn hóa của cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích.

 

Tóm lại, trở thành một phiên dịch viên không đơn giản là nhận được lời đề nghị công việc và chấp nhận ngay lập tức. Bạn sẽ phải trải qua nhiều bước trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Với những điều cần biết về nghề phiên dịch viên mà English Camp cũng cấp hy vọng bạn luôn nỗ lực hết sức và chắc chắn bạn sẽ có những khách hàng cao cấp trong tương lai.