SINH VIÊN, ĐỪNG BAO GIỜ NÓI “GIÁ NHƯ…”

Khi là sinh viên, hầu như ai trong chúng ta cũng từng có những nuối tiếc, có những lần tự than trách rằng “Giá như học chăm chỉ hơn.”, “Giá như đi thực tập sớm hơn.”… Vậy chúng ta cần phải những gì và làm như thế nào để không còn phải nói “Giá như…”. Đọc ngay bài viết dưới đây nhé!

 

Luôn học hết mình

Đi học đại học khác xa với cấp 3. Nếu như bạn có bùng học thì cũng sẽ không có ghi sổ đầu bài hay gọi điện cho phụ huynh. Vì vậy nếu không có sự tự giác cũng như thấy được tầm quan trọng của việc học, bạn sẽ dễ dàng cho phép mình tự trốn tiết chỉ vì những lí do giời ơi đất hỡi.

 

Dành cho mình một khoảng thời gian để thư dãn

Chăm chỉ học tập không đồng nghĩa là mọi thời gian bạn đều dành cho sách vở. Mỗi sinh viên cần có cho mình khoảng thời gian nhất định để vui chơi bên bạn bè, tham gia các hoạt động tập thể của lớp… Khi  chán hay mệt, đừng cố gắng tiếp tục  “vùi đầu” vào sách vở vì thực sự bây giờ đầu óc bạn cần được nghỉ ngơi, không thể thu nạp thêm kiến thức mới. Những lúc như thế, hãy rủ “chiến hữu” của mình ra ngoài dạo phố hoặc cùng nhau đi xem một bộ phim hài chẳng hạn. Bạn sẽ cảm thấy tinh thần thoải mái, vui vẻ hơn rất nhiều. Đây sẽ là một bước đệm tốt cho những ngày ôn luyện phía sau của bạn. Và để sau này nhớ lại, à, thì ra quãng đời sinh viên của mình cũng có đầy những khoảnh khắc vui chơi đáng nhớ bên bạn bè.

Nâng cao các kĩ năng mềm

Kiến thức chuyên ngành mà bạn có được ở trường đại học là yếu tố quyết định giúp các sinh viên có thể lập nghiệp trong tương lại. Tuy nhiên, ngoài kiến thức chuyên môn, để vượt qua thử thách và những khó khăn trong bước đường phía trước mỗi sinh viên cần có và nâng cao các kĩ năng mềm: Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng viết CV tìm việc và trả lời phỏng vấn tuyển dụng…

Thực tế, khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhiều sinh viên thường ít chú trọng đến vấn đề này, đến khi ra trường mới thấy bản thân còn nhiều thiếu sót. Thế nên, bên cạnh việc học kiến thức mỗi sinh viên cần trang bị thêm cho mình những kỹ năng cần thiết bởi kỹ năng mềm lại quyết định bạn là ai, làm việc thế nào, là thước đo hiệu quả cao trong công việc.

 

Tham gia các hoạt động tình nguyện

Những năm tháng sinh viên nếu có điều kiện, bạn hãy tham gia vào những buổi sinh hoạt cộng đồng, những buổi thiện nguyện giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, các cụ già neo đơn… Bạn sẽ thấy cuộc sống ý nghĩa hơn rất nhiều. Và rằng, bạn còn vô cùng may mắn so với những mảnh đời bất hạnh kia. Khó khăn học tập bé tí ti kia liệu có là gì? Và tất nhiên, lúc đấy bạn sẽ lên dây cót tinh thần cho việc học tập của mình, mọi thứ không còn quá khó khăn như bạn nghĩ.

 

Thể dục rèn luyện sức khỏe

Tác dụng của việc tập thể dục thế nào chắc ai cũng biết nhưng không phải sinh viên nào cũng áp dụng được vào cuộc sống hàng ngày. Đây là phương pháp rất tốt để bạn sảng khoái, có đầy đủ năng lượng cho một ngày mới học tập hiệu quả hơn, thế nên hãy tạo thành thói quen tập thể dục nâng cao sức khỏe cho bản thân cũng như tinh thần học tập.

Thêm một điều nếu bạn chưa biết, tập thể dục cũng đã được chứng minh có thể giúp cải thiện được tâm trạng và thúc đẩy sự tự tin của con người. Vậy nên dù ở giai đoạn nào của cuộc sống, nâng cao sức khỏe luôn là việc cần thiết.

 

Ngoại ngữ là điều không thể thiếu

Thời đại ngày nay, ngoại ngữ là yếu tố không thể thiếu, mỗi sinh viên cần ý thức được tầm quan trọng của nó. Đầu tư thời gian để học thêm một hay nhiều ngoại ngữ luôn là điều cần thiết. Khi ra trường, bạn sẽ hiểu rằng nếu không nắm trong tay một ngoại ngữ nào thì bạn sẽ bị “đào thải”, cơ hội tìm việc của bạn sẽ ít đi rất nhiều. Với thực tiễn đó, không ít bạn kêu than, biết thế trước kia cố gắng học tiếng Anh, tiếng Trung… Để không muốn gặp phải trường hợp tương tự, ngay từ bây giờ sinh viên hãy nghiêm túc bắt tay vào việc học thêm ngoại ngữ thôi!